Má phanh là gì?
Má phanh (hay còn gọi là bố thắng) là một bộ phận quan trọng trong hệ thống phanh ô tô. Má phanh có nhiệm vụ tiếp xúc với phần quay của phanh, tạo ra lực ma sát để giúp giảm tốc độ quay của bánh xe.
Vì sao cần thay má phanh ô tô?
Trong quá trình hoạt động, do má phanh phải chịu lực ma sát liên tục nên sẽ bị mòn theo thời gian. Vì thế, các nhà sản xuất ô tô luôn khuyến cáo cần kiểm tra và thay má phanh định kỳ. Tuy nhiên, nếu sử dụng phanh không đúng cách hoặc hệ thống phanh xảy ra lỗi không được khắc phục sớm cũng sẽ khiến má phanh nhanh mòn hơn bình thường.
Một số nguyên nhân thường gặp khiến má phanh oto nhanh xuống cấp hơn bình thường như:
Không vệ sinh và bảo dưỡng má phanh định kì: Nếu không được vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ, má phanh sẽ dễ nhanh mòn hơn bình thường do bị bám bụi bẩn.
Đĩa phanh bị biến dạng do va chạm: Khi xe ô tô gặp va chạm, đĩa phanh có thể bị biến dạng. Nếu không sớm xử lý, má phanh ô tô sẽ nhanh bị mòn do khi bám đĩa phanh, đĩa phanh không xoay tròn đều.
Ắc suốt phanh bị gỉ sét: Nếu gioăng cao su bọc ngoài bị rách thủng, ắc suốt phanh thể gặp trục trặc, bị gỉ sét. Điều này khiến khi phanh, ắc suốt phanh không thể quay về vị trí đúng lúc piston tác động lực lớn làm ảnh hưởng đến má phanh.
Bàn đạp phanh ngắn: Đây cũng là nguyên nhân có thể khiến má phanh ô tô nhanh mòn. Bởi bàn đạp phanh ngắn khiến phanh nhạy hơn, làm má phanh dễ bị ghì chặt vào đĩa phanh nên nhanh mòn.
Má phanh nở do bị lọt nước: Má phanh có thể nở ra nếu bị lọt nước vào bên trong.
Dầu phanh nhiễm nước: Dầu phanh nhiễm nước có thể dẫn đến nhiều trục trặc cho hệ thống phanh nói chung và má phanh nói riêng.
Khi nào cần thay má phanh ô tô?
Theo các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo, chủ xe nên kiểm tra và thay má phanh định kỳ sau mỗi 50.000 – 80.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp hệ thống phanh xe phải làm việc cường độ cao như xe thường xuyên di chuyển ở đường đông đúc, sử dụng phanh liên tục thì má phanh ô tô nhanh mòn hơn. Do đó thời gian thay sẽ sớm hơn. Hệ thống phanh xảy ra lỗi không được khắc phục sớm cũng có thể làm má phanh nhanh mòn.
Do đó rất khó để biết bao lâu phải thay má phanh ô tô. Bởi khi nào thay má phanh sẽ tuỳ vào điều kiện sử dụng, thói quen lái xe, chế độ bảo dưỡng phanh và tình trạng thực tế của má phanh. Để xác chính xác thời gian thay má phanh ô tô tốt nhất nên kiểm tra, xác định tình trạng má phanh.
Cách kiểm tra má phanh ô tô
Có nhiều cách kiểm tra độ mòn má phanh ô tô. Theo đó, có thể quan sát xem xe có các dấu hiệu má phanh ô tô mò không như:
Xe có tiếng kêu lạ khi phanh: Nếu phanh phát ra tiếng kêu lại mỗi khi đạp phanh thì nguyên nhân có thể do má phanh bị mòn. Thường những tiếng kêu này sẽ là tiếng kin kít hay ken két.
Xe bị lệch khi phanh: Khi đạp phanh, nếu thấy xe có xu hướng lệch về bên trái hoặc bên phải thì rất có thể má phanh ô tô đã mòm.
Vô lăng bị rung khi phanh: Khi đạp phanh nếu vô lăng có dấu hiệu bị rung thì khả năng cao má phanh đã bị mòn.
Xe phanh không ăn: Có nhiều nguyên nhân làm phanh ô tô đạp không ăn. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là má phanh bị mòn.
Đèn cảnh báo má phanh bật sáng: Các dòng xe ô tô hiện đại ngày nay đều có hệ thống cảm biến và đèn báo lỗi, trong đó có đèn cảnh báo má phanh. Khi má phanh của một trong các bánh xe bị mòn vượt quá chuẩn thì đèn cảnh báo sẽ bật sáng.
Cách thay má phanh xe ô tô
Cách thay má phanh không quá phức tạp. Có thể tự thay má phanh ô tô tại nhà nếu có hiểu biết nhất định về kỹ thuật ô tô cũng như có đầy đủ các dụng cụ cần thiết để thay má phanh xe.
Hướng dẫn cách thay má phanh oto:
Bước 1 – Tháo bánh xe: Đầu tiên dùng kích ô tô để nâng xe lên, tháo bánh xe ra.
Bước 2 – Mở cụm piston phanh: Sau kẹp phanh có bu-lông ắc suốt phanh bọc cao su, cần thao bu-lông và dùng vít nậy cụm pitson ra khỏi cụm phanh. Chú ý sau khi thao cụm piston nên dùng dây cột lại, không nên để piston bị treo bằng ống dầu phanh bởi dễ làm hỏng ống dầu.
Bước 3 – Mở má phanh cũ – lắp má phanh mới: Khi mở được cụm piston thì tiếp tục mở má phanh cũ, sau đó thay má phanh mới. Hãy chú ý quan sát thứ tự mở má phanh, nhất là các phe cài để có thể dễ dàng lắp má phanh mới.
Bước 4 – Ép piston phanh: Do độ dày của má phanh cũ và mới khác nhau nên má phanh mới khi lắp sẽ khó vào vị trí piston. Vì thế cần dùng cảo piston, nén piston trở lại vị trí ban đầu để có thể khớp với phanh và má phanh mới.
Bước 5 – Lắp lại cụm piston và bánh xe: Lắp lại piston theo đúng cơ cấu phanh, tra thêm dầu vào bu-lông ắc suốt phanh. Cuối cùng lắp lại bánh xe.
Sau khi hoàn tất thay má phanh nên đạp phanh để phanh mới đủ áp suất. Sau đó thử chạy xe để kiểm tra xem hệ thống phanh hoạt động ổn định hay không.
Nguồn: Trung Tính